Chặt hạ cây trong di tích đền Voi Phục. Có phải là việc chẳng đừng?

Với tổng mức kinh phí trên 18 tỷ đồng, đền Voi Phục - một trong Thăng Long Tứ trấn của Kinh thành Thăng Long xưa được chủ đầu tư là UBND quận Ba Đình khởi công tu bổ tôn tạo cách đây tròn nửa tháng. Nhưng, việc thi công đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều khi đơn vị thi công cho chặt hạ hàng loạt các cây bạch đàn phía ngoài cổng đền, đặc biệt là một số cây cổ thụ có tới hàng trăm năm tuổi phía sau đền...

- Với tổng mức kinh phí trên 18 tỷ đồng, đền Voi Phục - một trong Thăng Long Tứ trấn của Kinh thành Thăng Long xưa được chủ đầu tư là UBND quận Ba Đình khởi công tu bổ tôn tạo cách đây tròn nửa tháng. Nhưng, việc thi công đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều khi đơn vị thi công cho chặt hạ hàng loạt các cây bạch đàn phía ngoài cổng đền, đặc biệt là một số cây cổ thụ có tới hàng trăm năm tuổi phía sau đền...

“Không chặt cây, không xây được nhà Mẫu”

Đó là lời khẳng định của KTS Bùi Phương Nam - Giám đốc tư vấn Công ty CP Đầu tư xây dựng và dịch vụ thương mại số 5 - đơn vị tư vấn thiết kế dự án. Ông Nam cho biết, các hạng mục được tu bổ tôn tạo trong lần này gồm hạ tầng kỹ thuật, sân vườn, tường rào, cây xanh, nhà quản tượng, giếng ngọc, hai miếu tả hữu cùng nhà Mẫu.

Việc chặt hạ hai cây bồ kết cổ thụ  cũng là việc “bất đắc dĩ”, nếu không chặt cây không có mặt bằng để xây dựng, thêm nữa lại không thể xây nhà Mẫu ở chỗ khác, bởi công trình này buộc phải nằm sau đền chính, tức là nằm dọc theo trục “thần đạo”. Theo thiết kế, nhà thờ Mẫu sẽ được xây với diện tích 98m2 mặt trước tiếp giáp với đền chính, phía sau tiếp giáp với tường rào của Công viên Thủ Lệ.

Gốc giàng giàng có tuổi 300 năm đã bị mối ăn rỗng ruột

Được biết, việc đốn hạ cây bồ kết và một cây giàng giàng cổ thụ này đã có được sự thỏa thuận của các cơ quan thẩm quyền như: Cục Di sản Văn hóa, Sở VH-TT&DL Hà Nội, Ban Quản lý di tích danh thắng. Song, việc chặt hạ hai cây cổ thụ này và hơn 10 cây bạch đàn trong khuôn viên đền Voi Phục, lại chưa được sự cho phép của đơn vị chức năng thuộc Sở Xây dựng Hà Nội.

Sáng 20-7, chúng tôi đã gặp và trao đổi cùng ông Đào Trùy -  Trưởng ban Quản lý di tích đền Voi Phục thì được biết, trước khi tu bổ, các bên liên quan cũng đã cân nhắc giữa hai phương án, một là chặt hạ, hai là di chuyển cây đến một địa điểm thích hợp. Tuy nhiên, việc di chuyển là không thể, bởi các cây cổ thụ này đều đã bị mối ăn rỗng gốc. Ông Trùy kể, hơn 10 năm nay, nhà đền đã dùng đủ các phương pháp để hạn chế tình trạng mối ăn rỗng ruột cây nhưng không có hiệu quả.

Năm 2005, Ban Quản lý di tích đền Voi Phục phải mời các chuyên gia của trường Lâm nghiệp Hòa Bình tới khảo sát hiện trạng cây trong di tích. Các chuyên gia đều khẳng định rằng, tình trạng của cây không thể cứu chữa được, nếu không kịp thời xử lý khi cây đổ sẽ gây nguy hiểm cho đền chính. Khi đó, ông Trùy đã làm đơn gửi lên các cấp có thẩm quyền xin được chặt cây, nhưng gửi mãi vẫn không thấy có hồi âm.

Chặt bạch đàn, khôi phục vườn muỗm

Chiều 20-7, ông Nguyễn Chiến Thắng - Tổ trưởng Thanh tra hạ tầng Kỹ thuật đô thị -  Sở Xây dựng Hà Nội đã có buổi làm việc với Ban quản lý dự án trùng tu đền Voi Phục. Tại đây, Ban quản lý dự án trùng tu đền Voi Phục đã không đưa ra được giấy phép chặt hạ cây xanh do cơ quan chức năng cấp. Vì vậy, Thanh tra Sở Xây dựng đã ra quyết định đình chỉ tạm thời việc chặt hạ cây trong khuôn viên đền Voi Phục. Đồng thời, yêu cầu BQL dự án phải giải trình cụ thể việc chặt số cây này vào lúc 14h30 chiều nay 21-7, tại trụ sở Đội Thanh tra hạ tầng và kỹ thuật đô thị - Sở Xây dựng Hà Nội.

Theo thống kê của đơn vị tư vấn thiết kế, trong quá trình tu bổ lại sân vườn di tích đền Voi Phục, tổng số cây bị chặt hạ lên tới 135 cây (trong đó có 108 cây bạch đàn) và di chuyển đến vị trí mới cho 27 cây ăn quả khác. Việc này theo lý giải của ông Đào Tiến Thắng -  chuyên viên Ban Quản lý dự án quận Ba Đình, đơn vị chủ đầu tư là để quy hoạch lại hệ thống cây trồng nơi đây thành từng khu vườn nhỏ, tạo không gian linh thiêng, đồng thời tôn thêm vẻ đẹp cho di tích.

Ông Thắng cũng cho biết, việc chặt hạ này cũng là để khôi phục lại vườn muỗm - loại cây vốn gắn liền với các di tích thờ Đức Linh Lang Đại vương. Trước đây, trong khuôn viên của di tích có rất nhiều cây muỗm cổ thụ với 600-700 năm tuổi. Năm 1976, khi Vườn thú Hà Nội được xây dựng tại đây, đền nằm trong khuôn viên của vườn thú.

Khi đó, người ta chặt đi rất nhiều gốc muỗm cổ thụ để lấy chỗ trồng... bạch đàn phát triển kinh tế. Hàng bạch đàn trước cổng đền hôm nay là dấu tích còn sót lại từ hơn 30 năm trước. Về lâu dài, việc duy trì hàng bạch đàn không có lợi, bởi đặc tính của nó làm cho đất đai quanh đó trở nên cằn cỗi.

Theo dự kiến, trong vòng 200 ngày nữa, việc tu bổ lại các hạng mục của đền Voi Phục sẽ phải hoàn thành để kịp chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Vẫn biết, việc chặt hạ những cây cổ đã từng có nhiều năm gắn bó với di tích cũng là việc chẳng đừng và là để phục vụ lợi ích chung.

Song, cho dù những cây bồ kết hay bạch đàn không phải là cây có “tính thiêng”, không phải là cây thường được trồng nhiều trong di tích như đa, đề, si, đại hay muỗm, thì bao nhiêu năm qua nó cũng đã gắn bó với di tích, vẫn cần nhiều hơn nữa sự cân nhắc, đắn đo. Bởi có những thứ khi thực sự mất đi mới thấy tiếc.

Quỳnh Vân - Việt Anh

Theo Báo An ninh thủ đô ngày 21/7/2009