Có hay không việc rừng Đền Hùng bị “xẻ thịt”?

Mới đây xuất hiện một số thông tin có hàng nghìn m2 rừng quốc gia Đền Hùng (TP Việt Trì- Phú Thọ) bị lâm tặc chặt phá, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan của khu di tích lịch sử. Thông tin trên khiến nhiều người giật mình đặt câu hỏi: Tại sao ở chốn linh thiêng lại xảy ra chuyện động trời đến vậy?

Rừng quốc gia Đền Hùng là rừng đặc dụng gắn liền với khu di tích lịch sử Đền Hùng có diện tích quy hoạch hơn 538ha, với hệ thực vật đa dạng, gồm nhiều loại gỗ quý có tên trong sách đỏ Việt Nam. Trong đó, có 32ha thuộc vùng lõi thuộc núi Nghĩa Lĩnh.


Con đường mòn dùng để vận chuyển vật liệu.


Chỉ còn một thời gian rất ngắn nữa là tới ngày Quốc lễ giỗ Tổ Vua Hùng, thông tin rừng đặc dụng nơi đây bị chặt phá tan hoang khiến dư luận hết sức xôn xao. Để “mục sở thị” dải rừng tại núi Nghĩa Lĩnh bị lâm tặc triệt hạ tạo thành con đường mòn trống huếch, rộng từ 2 – 3 m, chúng tôi đã đi khảo sát thực tế. Từ đỉnh núi Nghĩa Lĩnh xuống chân núi khoảng 300m, vì độ dốc cao nên chúng tôi phải bám theo dây thừng để tụt dần xuống. 

Lý giải về con đường mòn này anh Nguyễn Kim Bảy – Phó phòng phụ trách bảo vệ Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: Ngày 14.9.2007, sau khi khảo sát các tuyến vận chuyển vật liệu lên núi Nghĩa Lĩnh để phục vụ cho việc trùng tu, tôn tạo tại đền Thượng, Ban quản lý khu di tích đã cho phép đơn vi thi công vận chuyển vật liệu từ bãi đỗ xe phía Bắc đi qua tuyến đường mòn sau núi Nghĩa Lĩnh (phía Đông Bắc) lên đỉnh núi.


Cọc đóng để tời vật liệu chứ không phải cây rừng bị chặt phá.

Tuyến đường mòn này vốn cũng là rãnh nước chảy từ đỉnh núi xuống từ nhiều năm nay. Khi làm đường vận chuyển vận liệu không phải chặt hạ cây lớn, chủ yếu là lau lách. Dọc đường mòn này đơn vị thi công có đóng một số cọc để buộc dây tời kéo vật liệu (những khối đá lớn). Những cọc này nhằm làm giảm sức văng khi chuyển vật liệu, không để va chạm vào những cây khác và không ảnh hưởng đến lớp thực bì của rừng... “Thế nhưng đã có thông tin phản ánh những cọc gỗ trên là dấu tích cây rừng bị lâm tặc chặt phá”. Anh Bảy nói.


Cây trong rừng Đền Hùng bị gió lốc quật đổ, được chặt dọn để lại rừng.

Theo Ban quản lí Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thì dự án trùng tu, tôn tạo vẫn còn được thực hiện, nên con đường vẫn phải giữ lại để phục vụ vận chuyển vật liệu. Khi dự án xong sẽ cho trồng cây lấp vào khoảng trống trên.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Các – GĐ Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: Không hiểu sao bỗng xuất hiện những thông tin đăng tải rừng Đền Hùng bị “xẻ thịt”, bị lâm tặc chặt phá tan hoang. “Tôi khẳng định không có chuyện lâm tặc chặt phá trong phạm vi rừng Đền Hùng tại khu di tích” - ông Các nói.

Ông Các cho biết thêm, với tầm quan trọng đặc biệt nên rừng quốc gia Đền Hùng được tỉnh Phú Thọ chỉ đạo bảo vệ chặt chẽ, nghiêm ngặt. Những cây đổ, gãy do tuổi đời của cây cao, mục gốc hoặc bị mối ăn cho đến những cây bị gió, lốc quật đổ đều được Ban quản lý khu di tích phối hợp với các ngành liên quan lập biên bản trình UBND tỉnh. Sau khi được tỉnh đồng ý mới tiến hành chặt dọn.

Vào ngày 8.5.2011, do xảy ra lốc bão, trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh có đến 53 cây, đường kính từ 15 -55cm, cao từ 8 đến 15m bị gẫy, đổ. Trong đó có nhưng cây gỗ lớn như cây Xà Cừ (gốc đường kính 55 cm, cao 15m); cây Đa si (đường kính gốc 50cm, cao 14m); cây Lát hoa (đường kính gốc 40cm, cao 12m). Đa số những cây gẫy đổ, khi chặt dọn vệ sinh đều để lại rừng.

Nhóm PVPL

Theo Laodong.com.vn ngày 19/3/2012