Đề xuất 11.000 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo di tích.

Theo đề xuất của Bộ VH, TT và DL, Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa giai đoạn 2011 - 2015 vẫn gồm 3 mục tiêu và 9 dự án cụ thể, trong đó tiếp tục tập trung cho chống xuống cấp, tu bổ và tôn tạo di tích; sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; đầu tư phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống...

 


Hội An được bảo tồn khá nguyên vẹn


Tập trung cho bảo tồn, tôn tạo di tích

Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa giai đoạn 2006 - 2010 được Chính phủ phê duyệt năm 2007, với 3 mục tiêu và 9 dự án cụ thể. Tổng nguồn lực được huy động cho chương trình là 4.542 tỷ đồng. Đến hết năm 2010, Chương trình đã hỗ trợ tu bổ, tôn tạo tổng thể 130 di tích (theo kế hoạch là 200 di tích, đạt 65%); hỗ trợ chống xuống cấp cấp thiết, sửa chữa nhỏ cho 810 di tích (theo kế hoạch đề ra là 950 di tích, đạt 80,1%). Chương trình cũng đã giúp thực hiện 455 dự án sưu tầm văn hóa phi vật thể, trong đó có 319 dự án cho các địa phương trực tiếp thực hiện; hỗ trợ lập hồ sơ khoa học 4 di sản trình UNESCO công nhận; đã cơ bản hoàn thành việc bảo tồn 5 làng, bản cổ truyền thống...

Theo đề xuất của Bộ VH, TT và DL, Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa giai đoạn 2011 - 2015, với tổng kinh phí 15.400 tỷ đồng, sẽ tập trung hoàn thành những phần việc chưa được giải quyết dứt điểm ở giai đoạn trước. Cụ thể, ở dự án chống xuống cấp, tu bổ và tôn tạo di tích, Chương trình tiếp tục đầu tư triển khai các dự án tu bổ di tích quốc gia đặc biệt và cấp quốc gia còn dở dang, như: cố đô Huế, phố cổ Hội An, tháp Chăm Mỹ Sơn, đền Hùng, cố đô Hoa Lư; đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia đang bị xuống cấp để bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc. Các di tích cách mạng - kháng chiến tiêu biểu như ATK Việt Bắc, các dự án đường mòn Hồ Chí Minh, hệ thống các nhà tù tố cáo tội ác, các khu căn cứ cách mạng quan trọng... cũng sẽ được tu bổ. Dự kiến, mỗi năm sẽ tu bổ tổng thể 50 - 60 di tích, hỗ trợ chống xuống cấp 100 - 150 di tích... Nhu cầu vốn cho giai đoạn này là 11.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 6.500 tỷ đồng, ngân sách địa phương 2.500 tỷ đồng, vốn huy động từ các nguồn khác là 2.000 tỷ đồng. Đây là dự án lớn nhất trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa giai đoạn 2011 - 2015.

Bên cạnh đó, 400 tỷ đồng được đề xuất chi cho dự án sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của 54 dân tộc Việt Nam. Giai đoạn này sẽ tập trung quảng bá những giá trị văn hóa phi vật thể đã sưu tầm được, phục vụ nhu cầu tìm hiểu, hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế; đồng thời hoàn thành tổng điều tra và xây dựng bản đồ di sản văn hóa phi vật thể; hỗ trợ xây dựng hồ sơ khoa học 3 di sản trình UNESCO công nhận là di sản thế giới... 800 tỷ đồng dự kiến cũng sẽ được huy động để đầu tư phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống, thông qua việc xây dựng, nâng cấp các rạp biểu diễn, hỗ trợ đào tạo diễn viên từng loại hình nghệ thuật, xây dựng và biên soạn giáo trình về nghệ thuật truyền thống cho hệ thống trường học trên cả nước...

Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa

Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa giai đoạn 2011 - 2015 cũng xây dựng dự án tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp, với tổng kinh phí 1.200 tỷ đồng. Nội dung, nhiệm vụ cụ thể của dự án là xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện tại những địa phương đặc biệt khó khăn, hiện chưa có thiết chế văn hóa cấp huyện; xây dựng thiết chế văn hóa, sân tập thể thao cấp xã, làng, thôn, bản, buôn, bảo đảm theo đúng tiêu chí nông thôn mới. Đồng thời, hỗ trợ trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa cho các nhà, hội trường sinh hoạt đa năng của các xã, phường... Theo Giám đốc Sở VH, TT và DL Quảng Nam Đinh Hài, nên có một chương trình đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng cho các thiết chế văn hóa ở địa phương, đặc biệt là ở xã, phường, thôn bản còn thiếu thốn. Hiện nay, trong Chương trình mới chỉ đầu tư về trang thiết bị. “Theo tôi, với những vùng khó khăn thì nên có chương trình riêng để xây dựng về thiết chế văn hóa cơ sở một cách bài bản, để trong giai đoạn 2011 - 2015 cơ bản hoàn thành cơ sở vật chất phục vụ cho phát triển văn hóa ở từng địa bàn”.

Ông Đinh Hài cũng cho biết, Quảng Nam đang trình Chính phủ và các bộ ngành liên quan về quy hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của khu đô thị cổ Hội An gắn với phát triển du lịch. Nếu được Chính phủ đồng tình, hỗ trợ, đây sẽ là cơ hội tốt cho địa phương thực hiện bảo tồn các giá trị văn hóa. Được biết, đề án tập trung vào 4 nội dung: đầu tư kinh phí để tu bổ, trùng tu di sản; hỗ trợ kinh phí để bảo tồn nguyên vẹn không gian cơ sở vật chất của đô thị cổ; tìm nguồn vốn để nghiên cứu các giá trị văn hóa phi vật thể mà từ trước đến nay chưa được phát huy; trên cơ sở đó, bảo tồn, ứng dụng và phát huy các giá trị văn hóa trong tổ chức hoạt động du lịch.



Theo ĐBND