Lời nói đầu
Uỷ ban quốc tế về Hoa viên lịch sử thuộc ICOMOS - IFLA, họp ở Florence ngày 21-5-1981 quyết định xây dựng một Hiến chương về bảo tồn các Hoa viên lịch sử mang tên thành phố có hoa viên. Hiến chương Florence này do Uỷ ban soạn ra và đã được ICOMOS đăng ký vào hồ sơ văn kiện ngày 15-12-1982 như là một phụ lục của Hiến chương Venice bao trùm lĩnh vực cụ thể nói trên.
Định nghĩa và Mục tiêu
Điều 1.
"Một hoa viên lịch sử là một cấu tạo kiến trúc và hoa viên bổ ích đối với công chúng về mặt lịch sử hoặc mỹ thuật''. Vậy, hoa viên lịch sử phải được coi như là một di tích.
Điều 2.
"Hoa viên lịch sử là một cấu tạo kiến trúc mà thành phần chủ yếu là thực vật cho nên là có sinh sống, có nghĩa là có thể bị tàn lụi và có thể hồi phục''. Như vậy diện mạo của hoa viên lịch sử là phản ánh thế cân bằng vĩnh hằng giữa chu kỳ các mùa, sự sinh sôi và tàn lụi của tự nhiên và tâm ý của nhà nghệ sỹ, nghệ nhân muốn duy trì tính bền vững thường hằng của nó.
Điều 3.
Cũng như là một di tích, hoa viên phải được bảo tồn theo đúng tinh thần của Hiến chương Venice. Song, vì nó là một di tích sống nênviệc bảo tồn phải tuân thủ những quy tắc được đề ra trong Hiến chương này.
Điều 4.
Cấu tạo kiến trúc của hoa viên bao gồm:
Mặt bằng và địa hình.
· Mảng thực vật bao gồm các loài, khối lượng, phối hợp màu sắc, khoảng cách và chiều cao tương ứng.
· Các yếu tố xây dựng và trang trí.
· Mảng nước, lưu thuỷ hoặc tĩnh thuỷ, phản chiếu trời cao.
Điều 5.
Là sự thể hiện mối quan hệ gần gũi chặt chẽ giữa văn minh và thiên nhiên, và là một nơi thưởng ngoạn thích hợp cho suy tư và thư giãn, cho nên hoa viên có cái ý nghĩa vũ trụ của một hình ảnh thế giới được lý tưởng hoá, một "thiên đàng'' theo đúng nghĩa từ nguyên, song cũng là chứng nhân cho một nền văn hoá, một phong cách, một thời đại, và thường là cho tính độc đáo của một nghệ sĩ sáng tạo.
Điều 6.
Thuật ngữ "hoa viên lịch sử" cũng có thể áp dụng cho những hoa viên nhỏ và các công viên lớn, nhân tạo hoặc thiên nhiên.
Điều 7.
Dù có gắn hoặc không gắn với một toà kiến trúc, trong trường hợp sau thì toà kiến trúc là một bổ trợ không tách rời được, thì hoa viên lịch sử cũng không thể tách rời ra khỏi môi trường riêng của nó, dù là đô thị hay nông thôn, nhân tạo hay thiên nhiên.
Điều 8.
Một di chỉ lịch sử là một cảnh quan cụ thể gắn liền với một sự kiện đáng ghi nhớ, chẳng hạn như một sự kiện lịch sử trọng đại, một huyền thoại nổi tiếng, một trận chiến oai hùng, hoặc là đề tài của một bức tranh lừng danh.
Điều 9.
Việc bảo tồn các hoa viên lịch sử tuỳ thuộc vào việc xác định và xếp hạng các di sản đó, và đòi hỏi phải có một loạt các hoạt động về bảo quản, bảo toàn và trùng tu. Trong một số trường hợp, có thể tiến hành phục dựng. Tính xác thực của một hoa viên lịch sử phụ thuộc nhiều vào bản thiết kế và tỷ lệ các bộ phận cũng như vào các kiểu trang trí và cách lựa chọn cây cỏ hoặc vật liệu vô cơ thích hợp với từng bộ phận.
Bảo quản, Bảo toàn, Trùng tu, Phục dựng
Điều 10.
Trong bất kỳ một cuộc bảo quản, bảo toàn, trùng tu, hoặc phục dựng một hoa viên lịch sử nào, hoặc một bộ phận nào của di sản đó, thì tất cả các bộ phận cấu thành phải được tính toán xử lý cùng một lúc. Tách riêng các cách xử lý ra sẽ làm hỏng tính thống nhất của tổng thể hoa viên.
Bảo quản và bảo toàn
Điều 11.
Việc bảo quản liên tục không đứt đoạn các hoa viên lịch sử là điều tối quan trọng. Bởi vì vật liệu chính là thực vật nênviệc bảo tồn hoa viên nguyên trạng đòi hỏi, khi cần thiết, phải thay thế tức thời, và về lâu đài, phải có chương trình phục hồi từng thời kỳ (cắt trắng cây hoặc trồng lại bằng những cây đã trường thành).
Điều 13.
Những yếu tố kiến trúc, điêu khắc hoặc trang trí, cố định hoặc di dời được, mà là bộ phận hợp nhất của hoa viên lịch sử chỉ được lấy đi hoặc chuyển dời khi nào mà việc bảo toàn hoặc trùng tu đòi hỏi. Việc thay thế hoặc trùng tu những bộ phận bị nguy hại phải được tiến hành theo đúng các nguyên tắc của Hiến chương Venice và phải ghi rõ ngày tháng năm thay thế.
Điều 14.
Hoa viên lịch sử phải được bảo tồn trong khung cảnh thích đáng. Mọi biến đổi môi trường hữu thể mà đe doạ tính cân bằng sinh thái đều phải bị cấm đoán. Các biện pháp cấm đoán áp dụng cho cả toàn bộ cấu trúc hạ tầng, bên trong hoặc bên ngoài hoa viên (cống rãnh, hệ thống tưới tiêu, đường xá, bãi đỗ xe, rào ngăn, thiết bị trông nom nhà cửa, tiện nghi cho du khách...).
Trùng tu và Phục dựng
Điều 15.
Không có một cuộc trùng tu và, nhất là, một cuộc phục dựng nào được tiến hành trước khi có cuộc nghiên cứu toàn diện đầy đủ, bao gồm từ khai quật đến thu thập mọi tư liệu về hoa viên đang nói đến và các hoa viên khác tương tự, để đảm bảo cho việc trùng tu, phục dựng được thực thi một cách khoa học. Trước khi bắt tay vào thực thi phải lập một dự án dựa trên việc nghiên cứu nói trên và phải chuyển cho một nhóm các chuyên gia để họ cùng phối hợp khảo xét và thông qua.
Điều 16.
Việc trùng tu phải tôn trọng các giai đoạn phát triển nối tiếp nhau của hoa viên. Trên nguyên tắc, không có một thời kỳ nào được ưu tiên hơn một thời kỳ khác, trừ trong những trường hợp cá biệt khi độ hư hỏng hoặc huỷ hoại tác động lên một số bộ phận của hoa viên nghiêm trọng đến mức phải phục dựng trên cơ sở những vết tích còn lưu dấu lại hoặc trên cơ sở tư liệu không thể bác bỏ được. Việc phục dựng như vậy có thể được tiến hành đối với những bộ phận hoa viên nằm sát gần nhất toà kiến trúc thuộc khu hoa viên để làm nổi bật cấu trúc mạch lạc chặt chẽ của toàn bộ hoa viên.
Điều 17
Nơi nào mà hoa viên đã biến mất hoàn toàn hoặc không còn chứng tích gì nữa hay chỉ là chứng tích phỏng đoán về các giai đoạn phát triển nối tiếp, thì không được phục dựng theo khái niệm về hoa viên lịch sử.
Sử dụng
Điều 18.
Nếu một hoa viên lịch sử được thiết kế để mọi người đến tham quan và du ngoạn thì việc đi lại trong hoa viên phải được giới hạn trong một phạm vi nhất định, không được vào những nơi dễ bị hư hại, để bảo tồn được kết cấu hữu thể và thông điệp văn hoá của hoa viên.
Điều 19.
Hoa viên lịch sử, do tính chất và mục đích của nó, là một chốn thanh bình dễ làm cho con người tiếp xúc với nhau, nơi yên ắng để thức ngộ thiên nhiên. Quan niệm này về việc sử dụng thường nhật phải được đặt đối lập với vai trò cá biệt của hoa viên lịch sử khi sử dụng trong lễ hội. Cho nênphải xác định rõ những điều kiện của việc sử dụng hoa viên lịch sử vào những dịp cá biệt như vậy để cho bản thân lễ hội cũng làm thăng hoa cảnh tượng vốn có của hoa viên chứ không làm nghèo đi hoặc làm hư hại cảnh tượng đó.
Điều 20.
Nếu như hoa viên lịch sử có thể là thích hợp với những trò chơi yên bình như vẫn diễn ra hàng ngày, thì cũng phải có quy hoạch những khu vực riêng cho các trò chơi và thể thao sôi động mạnh mẽ kế cận hoa viên để làm thoả mãn được nhu cầu nàycủa công chúng mà không phương hại đến việc bảo toàn hoa viên và cảnh quan.
Điều 21.
Việc bảo quản và bảo toàn, mà thời gian thực thi là được quy định bởi mùa trong năm hoặc bởi những phần việc ngắn hạn cần phải tiến hành để phục vụ cho việc phục hồi tính xác thực của hoa viên, cần phải được ưu tiên trước các yêu cầu sử dụng để phục vụ công chúng. Việc tổ chức mọi cuộc tham quan hoa viên lịch sử phải làm theo đúng quy định đã đề ra để đảm bảo cho tinh thần của di tích được bảo tồn.
Điều 22.
Nếu một hoa viên có tường rào bao bọc, thì tường rào đó không được dở bỏ đi nếu chưa có sự khảo xét kỹ càng những hệ quả có thể xảy ra làm biến đổi không khí hoa viên và ảnh hường đến việc bảo tồn hoa viên.
Bảo vệ theo pháp lý và bằng biện pháp hành chính
Điều 23.
Nhiệm vụ của các chức sự có trách nhiệm là phải, theo khuyến cáo của các chuyên gia có tình độ, thực hiện các biện pháp luật pháp và hành chính thích đáng để xác định, kiểm kê và bảo vệ các hoa viên lịch sử. Việc bảo tồn các hoa viên này phải được quy định trong các kế hoạch sử dụng đất đai và các quy định đó phải được ghi rõ trong các văn kiện liên quan đến việc quy hoạch vùng và địa phương. Nhiệm vụ nữa của các chức sự có trách nhiệm là phải, theo khuyến cáo của các chuyên gia có trình độ,
thực thi các biện pháp tài chính thích đáng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo quản, bảo toàn và trùng tu và, ở đâu cần thiết, việc phục dựng các hoa viên lịch sử.
Điều 24.
Hoa viên lịch sử là một trong các bộ phận của di sản mà sự tồn sinh, do tính chất của nó, đòi hỏi phải tăng cường việc trông nom liên tục do những chuyên viên đã được đào tạo đảm nhiệm. Do đó, phải có phương pháp sư phạm thích hợp để đào tạo những chuyên viên đó, hoặc là nhà sử học, nhà kiến trúc, xây dựng, nhà kiến trúc cảnh quan, người làm vườn hoặc nhà thực vật học. Cũng cần phải lưu tâm đảm bảo việc sản xuất đều đặn các loại cây cần thiết cho việc bảo quản hoặc trùng tu.
Điều 25.
Sự quan tâm đến các hoa viên lịch sử phải được khuấy động lên bằng mọi loại hoạt động có khả năng làm nổi bật giá trị thực chất của di sản này và làm cho sự hiểu biết và đánh giá di sản đó ngày càng đúng đắn hơn: thúc đẩy việc nghiên cứu khoa học; trao đổi quốc tế và quảng bá thông tin; xuất bản phẩm, kể cả những công trình nhằm phục vụ cho quảng đại công chúng; khuyến khích công chúng đến tham quan thưởng ngoạn theo sự điều hành thích hợp; và sử dụng phương tiện truyền thông để nâng cao ý thức cần phải tôn trọng thiên nhiên và di sản lịch sử. Những hoa viên lịch sử đặc sắc nhất sẽ được đề nghị đưa vào Danh sách Di sản Thế giới.
Chú thích
Những khuyến cáo nói trên áp dụngđược cho mọi hoa viên lịch sử trên thế giới.
Những điều khoản phụ thêm áp dụng cho các loại hoa viên riêng biệt có thể sẽ được bổ sung thêm vào Hiến chương này với những mô tả ngắn gọn về các loại đó.