Sáng ngày 07/8, UBND tỉnh Kon Tum đã tổ chức Hội thảo “Phục dựng, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Ngục Kon Tum”. Đồng chí Lê Thị Kim Đơn - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo |
Đến dự có các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các nhà khoa học, lịch sử của Cục Di sản văn hóa, Công ty Cổ phần Tu bổ di tích Trung ương; Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Quảng Trị, Đăk Lăk; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và thành phố Kon Tum.
Ngục Kon Tum do thực dân Pháp xây dựng đầu thế kỷ XX gần sông Đăk Bla gồm nhà lao trong và nhà lao ngoài. Nhà lao được xây dựng theo kiểu pháo đài vô băng của Pháp, với 4 dãy nhà liền nhau, tạo thành một khối hình vuông, mái lợp ngói, tường trét đất, hai nhà lao có hai chòi gác và chỉ có 1 cửa ra ngoài. Mỗi nhà giam có chiều rộng 3,5m, trong đó dành 2m lát ván nằm cho tù nhân, còn lại là đường đi. Hai đoạn đầu của 2 dãy nhà ngang dọc ngăn thành 4 phòng nhỏ hẹp, 3 phòng để giam tù và một phòng cạnh cổng ra vào là nơi làm việc của quản lý nhà lao.
Di tích lịch sử Ngục Kon Tum phản ánh một giai đoạn lịch sử đầu của phong trào đấu tranh chống quân xâm lược nước ta. Xét về mức độ tàn khốc, Ngục Kon Tum là lò giết người tàn bạo nhất của thực dân Pháp ở nước ta thời kỳ 1930-1931. Tại nhà ngục này từ năm 1930- 1933, thực dân Pháp đã giam cầm, đày ải trên 500 lượt tù chính trị và gần một nửa trong số đó đã hi sinh tại đây và dọc quốc lộ 14. Nơi đây từng giam cầm hàng trăm chiến sĩ cộng sản kiên trung, trong đó có nhiều đồng chí là lãnh đạo cao cấp của Đảng, đảng viên cốt cán của phong trào cách mạng lúc bấy giờ như Trương Quang Trọng, Đặng Thái Thuyến, Nguyễn Huy Lung... đã có tác động rất lớn đối với phong trào cách mạng ở Kon Tum những năm 1930-1933 và cả sau này. Cũng tại đây, đã đánh dấu sự ra đời của chi bộ Binh ngay trong sào huyệt địch; những đảng viên trong chi bộ với ý chí dũng cảm đấu tranh đã có tác động lớn đến tinh thần chống giặc ngoại xâm của đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum.
Sau khi được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1988, di tích lịch sử Ngục Kon Tum đã được đầu tư tôn tạo và xây dựng 1 số hạng mục; Tuy nhiên, việc tôn tạo di tích mới ở giai đoạn đầu, chưa chú ý nhiều đến yếu tố bảo tồn di tích gốc (phần lớn di tích gốc là phế tích, vị trí di tích đã bị xâm lấn hoặc hủy hoại). Hệ thống tư liệu, hình ảnh, hiện vật phục vụ công tác trưng bày, giới thiệu khách tham quan còn hạn chế...Công tác quy hoạch và kinh phí đầu tư cho khu di tích còn nhiều khó khăn, bất cập nên chưa phát huy hết giá trị của di tích.
Do vậy, tại Hội thảo các đại biểu đã cùng nhau thảo luận đưa ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả, làm cơ sở cho công tác nghiên cứu bảo tồn, phục dựng và tôn tạo di tích lịch sử Ngục Kon Tum thời gian tới. Trong đó tập trung vào các vấn đề công tác quy hoạch; các nội dung liên quan đến công tác bảo tồn, phục dựng, tôn tạo và phát huy giá trị di tích; các giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về di tích.
Ngoài bàn thảo về các giải pháp phục dựng, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Ngục Kon Tum trong thời gian tới, các ngành chuyên môn còn trình bày một số tham luận về: Sự ra đời của tổ chức Đảng và ý nghĩa đấu tranh cách mạng qua hai cuộc đấu tranh lưu huyết và tuyệt thực của tù chính trị tại Ngục Kon Tum; Ngục Kon Tum - nơi nuôi dưỡng tinh thần thép của tù chính trị trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh; Truyền thống lịch sử Ngục Kon Tum trong giáo dục ý thức trách nhiệm, lòng yêu nước cho thế hệ học sinh tỉnh Kon Tum; Ngục Kon Tum với VHNT và báo chí Kon Tum...
Tin, ảnh: Dương Nương
Theo http://www.kontum.gov.vn