Không có di sản nếu không có cộng đồng

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản như thế nào cho hiệu quả nhất đang là vấn đề được đặt ra hiện nay. Nhiều ý kiến đã đồng nhất quan điểm về tầm quan trọng của cộng đồng - những chủ thể của di sản trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản...

Đừng “bỏ lửng” vai trò cộng đồng

Tại Hội thảo Vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thăng Long - Hà Nội do Hội Di sản văn hóa Thăng Long tổ chức mới đây, TS Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội chia sẻ: hiện trên địa bàn thủ đô Hà Nội có tới hơn 5.000 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 3 di tích đã được tổ chức UNESCO ghi danh và hơn 1.000 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia. Phần lớn những di tích này đều do nhân dân, dòng họ và cộng đồng xây dựng để thờ cúng tổ tiên, tổ nghề và người có công với đất nước. Điều này cũng không ngoại lệ đối với các di tích lịch sử văn hóa trong cả nước.

Thực tế, thời gian qua, Nhà nước đã tăng cường quản lý việc tu bổ, tôn tạo các di tích có giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh. Trong đó, vai trò cộng đồng cũng góp phần không nhỏ; không ít những công trình tâm linh được đầu tư xây dựng từ chính nguồn vốn xã hội hóa. Qua khảo sát thực tế thấy rằng: 60% - 70% nguồn đầu tư tu bổ di tích là của cộng đồng. Điều đó, lại một lần nữa khẳng định rõ nét vai trò của cộng đồng trong việc gìn giữ và phát huy di sản.

Vậy nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, vai trò của người dân, của cộng đồng trong bảo vệ di sản đã bị bỏ lửng. Cách thức và cơ chế quản lý đang gây khó khăn cho việc huy động và phát huy nguồn lực trong dân vào việc tu bổ, tôn tạo các di tích.

Cũng theo TS Lưu Minh Trị, thời gian qua, việc áp dụng các chính sách quản lý không hợp lý của chính quyền địa phương đã khiến cho vai trò của nhân dân, của cộng đồng không được phát huy trong việc bảo vệ các di sản này. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả trong quá trình bảo tồn và phát triển di sản. Gần đây nổi cộm lên với trường hợp chùa Trăm Gian. Theo lý giải của không ít nhà chuyên môn, nguyên nhân chính là do chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm, sát sao tới nguyện vọng của người dân, của cộng đồng trong việc bảo vệ di sản. Khi di tích có vấn đề, nhà chùa nhiều lần đề xuất tu sửa với địa phương nhưng vì nhiều lý lẽ, chính quyền địa phương cứ lần lữa. Đến lúc chẳng đợi được nữa nên nhà chùa đã tự ý cho tu bổ di tích để tránh những thiệt hại.

Cần có sự định hướng, giáo dục

Không ít ý kiến cho rằng, những sự việc đáng tiếc trong quá trình tu bổ di tích có một phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Theo quy định, mỗi công trình trước khi bắt tay vào tu sửa đều phải xin ý kiến của người dân địa phương. Ông Đoàn Bá Cử - Công ty CP Tu bổ di tích và thiết bị văn hóa Trung ương cho rằng, đó là một thao tác quan trọng khi tham vấn ý kiến những người cao tuổi, có tri thức tại địa phương trước khi tiến hành tu bổ. Họ sẽ có những đóng góp để việc tu bổ sát với cuộc sống, với lịch sử của nó hơn. Đây là kinh nghiệm để tránh những bất đồng, sai sót trong quá trình tu bổ di tích.

Có một thực tế là khi xảy ra các vấn đề xâm hại di tích, dư luận thường đổ lỗi cho người dân. Theo PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam: “trong tất cả các lĩnh vực khi xảy ra sự việc gì đó đừng trách dân, vì dân làm sai là có một phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước. Ở việc bảo tồn di sản, lỗi của các cơ quan quản lý là đã không hướng dẫn người dân, không giáo dục nâng cao nhận thức cho họ. Còn khi người dân đã biết rồi thì tôi tin họ sẽ không bao giờ làm sai cả. Song song với phát huy vai trò của cộng đồng thì tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, không khoán trắng cho dân, đưa ra những chính sách phù hợp với tình hình là điều cần thiết để bảo tồn di sản”.

Do vậy, mấu chốt của việc bảo tồn di sản là nhà quản lý phải thực sự gần dân, lắng nghe ý kiến, những phản hồi của họ. Đồng thời phải giáo dục và nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân về các giá trị của di sản thì mới mong việc bảo vệ, phát huy di sản được tốt. Các di sản văn hóa, lịch sử là của dân, do dân xây dựng nên và phải được nuôi dưỡng trong dân. Vai trò của cơ quan quản lý là định hướng cho người dân chứ không phải áp đặt họ làm thế này, thế kia… Điều này cũng có nghĩa nhà quản lý không thể “phó mặc” mọi thứ cho người dân mà phải đồng hành cùng người dân trong việc giữ gìn, phát huy vốn quý di sản.

Công ước của UNESCO năm 2003 có ghi rõ “Không có di sản nếu không có người dân và cộng đồng”. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải xây dựng đề án tuyên truyền, định hướng và nâng cao hiểu biết cho cộng đồng về những giá trị kiến trúc - nghệ thuật đích thực; hướng dẫn, giáo dục và giúp cộng đồng hiểu rõ vai trò của mình đối với nhiệm vụ giữ gìn di sản văn hóa.


Linh Lan

Theo Báo Daibieunhandan.vn