Không phải ai cũng có thể tham gia tu bổ di tích

Những đúc rút, kiến nghị của giới chuyên môn tại một số hội thảo khoa học chuyên đề về bảo tồn di sản mà chúng tôi giới thiệu dưới đây có thể góp thêm ý kiến cho Hà Nội tham khảo trong quá trình tiến hành xây dựng các dự án bảo tồn di tích tiêu biểu của Thủ đô.

 

 




Những đúc rút, kiến nghị của giới chuyên môn tại một số hội thảo khoa học chuyên đề về bảo tồn di sản mà chúng tôi giới thiệu dưới đây có thể góp thêm ý kiến cho Hà Nội tham khảo trong quá trình tiến hành xây dựng các dự án bảo tồn di tích tiêu biểu của Thủ đô.

- KTS Đoàn Bá Cử (Công ty Tu bổ di tích và Thiết bị văn hóa T.Ư): Tu bổ bảo tồn di tích là một chuyên ngành văn hóa. Chất lượng khoa học và văn hóa của một dự án tu bổ bảo tồn phụ thuộc vào trình độ chuyên ngành của những người thiết kế và thi công, nói theo y học là những người khám và chữa bệnh cho di tích.

Di tích của chúng ta như những cụ già trăm tuổi mang nhiều trọng bệnh, việc chăm sóc cần tình thương, tài và tâm của bác sĩ chuyên khoa, nói cách khác là việc tu bổ cần những đơn vị chuyên ngành.

Nghề này ở ta chưa được đào tạo bài bản, song Nhà nước đã thành lập Công ty Tu bổ di tích và Thiết bị văn hóa T.Ư cùng một số đơn vị thuộc Bộ VHTT, UBND TP Hà Nội và Thừa Thiên - Huế...

Dù có những hiến chương quốc tế, quy chế ngành nhưng chưa bao giờ coi bảo tồn di tích như một nghề kinh doanh nên chúng ta chưa đặt ra "giấy phép hành nghề".

Người quản lý đầu tư nếu chỉ tuân thủ các định chế quản lý đầu tư xây dựng thông thường thì các đơn vị tư vấn và xây dựng đã đăng ký bổ sung lĩnh vực hoạt động đều có thể tham gia tu bổ di tích. Trong thực tế đang diễn ra quá trình xã hội hóa như vậy.

Nhưng tu bổ di tích là loại việc khó khăn mà một đơn vị chuyên ngành chưa chắc đã thực hiện được với chất lượng cao, thì với đơn vị không chuyên lại càng khó hơn nhiều.

Đã có di tích được thiết kế, thi công tu bổ y hệt như cải tạo và nâng cấp công trình xây dựng đơn thuần. Điều đó gây tổn thất đến giá trị của di tích bởi rõ ràng là, một công trình xây dựng bình thường qua đầu tư là tăng giá trị, còn một di tích qua đầu tư tu bổ có thể bảo tồn và phát huy được giá trị nhưng cũng có thể làm giảm đi giá trị tự thân...

- Thạc sĩ Lê Viết Xuân và Trần Tuấn Anh (Sở VHTT Thừa Thiên - Huế): Thực tiễn bảo tồn trùng tu di tích ở Thừa Thiên - Huế hơn chục năm nay cho một số kinh nghiệm mang tính giải pháp. Các di tích trước khi được lập dự án bảo tồn phải nằm trong quy hoạch và phải khảo sát, xác định giá trị, thực trạng di tích một cách chính xác và khoa học.

Đối với dự án bảo tồn, trùng tu có liên quan đến vấn đề đất đai, nhất là đối với dự án áp dụng phương pháp bảo tồn thích nghi, thì phải kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, giải phóng mặt bằng đúng chính sách, đúng chế độ, không gây thất thoát tài sản, tiền vốn của Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong dân. Phải công khai việc bố trí, phân bổ vốn đầu tư, thực hiện đúng quy chế đấu thấu, chọn thầu chỉ định thầu.

Trong quá trình thực hiện dự án, cần giám sát chặt chẽ khâu thi công, cho nhân dân sở tại cử đại diện tham gia giám sát thi công. Việc trùng tu cần thực hiện theo hướng nhân dân vừa là chủ thể vừa là đối tượng hưởng thụ lâu dài.

- KTS Lê Thành Vinh (Viện Bảo tồn di tích): Dự án bảo tồn, trùng tu di tích có những khác biệt cơ bản so với dự án đầu tư xây dựng thông thường. Do đó, khi mà các dự án bảo tồn di tích vẫn chịu sự điều chỉnh từ những quy định pháp lý đúng như những dự án đầu tư xây dựng thông thường thì tất yếu nảy sinh bất cập. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả bảo tồn di tích, cần được quan tâm giải quyết.

Về quản lý di tích sau trùng tu, có thực tế phổ biến là những người quản lý, thực hiện dự án bảo tồn di tích không phải là chủ sở hữu hay người quản lý - sử dụng di tích đó. Bởi vậy, cùng với việc tổ chức thực hiện dự án bảo tồn, trùng tu di tích, cần xác định phương thức quản lý, sử dụng di tích sau trùng tu.

Vấn đề này liên quan đến các yếu tố cụ thể như cơ chế quản lý, chế độ và phương tiện bảo dưỡng di tích, sự hiểu biết của người sử dụng. Những dự án bảo tồn luôn cần có cả nội dung quản lý di tích sau trùng tu.

- TS Đặng Văn Bài (Cục Bảo tồn bảo tàng): Hiện nay, ba yếu tố cơ bản quyết định chất lượng công tác quản lý nhà nước đối với các dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích đều chưa ổn định, bộc lộ nhược điểm.

Thứ nhất, ta chưa có cơ chế phân cấp triệt để, cụ thể giữa cơ quan quản lý nhà nước và UBND các cấp.

Hội đồng thẩm định dự án đã được thành lập với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn xác định gồm những thành viên là chuyên gia uy tín nhưng hoạt động chưa thật hiệu quả.

Thứ hai, cơ quan quản lý dự án ở cơ sở chưa đủ mạnh để thực thi nhiệm vụ được giao, nhiều khi bị chi phối bởi các cơ quan liên quan - bên B.

Hiện các Sở VHTT đều có ban quản lý dự án quản lý các dự án có nguồn vốn xây dựng cơ bản - thường thì do giám đốc sở kiêm nhiệm hoặc một phó giám đốc ủy nhiệm, kế toán trưởng của sở kiêm nhiệm kế toán của ban quản lý.

Như vậy, vô tình các giám đốc bảo tàng, ban quản lý di tích địa phương - những người có hiểu biết chuyên môn - đều đứng ngoài, chỉ có mặt trong buổi nghiệm thu về hình thức mà thôi.

Thứ ba, chúng ta còn thiếu hệ thống văn bản pháp quy hoàn chỉnh và đồng bộ về tu bổ di tích để làm cơ sở cho việc xây dựng và quản lý việc thực thi các dự án...

Tu bổ di tích là hoạt động đặc thù chuyên ngành, cần có quy chế riêng khác với quy chế quản lý xây dựng cơ bản đối với các công trình xây dựng mới.

Theo Hà Nội mới - Nhân Dân

Theo Việt Báo ngày 30 Tháng mười 2006