Với chức năng chính là quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế - Di sản Văn hóa thế giới, những năm qua, với sự hỗ trợ của Chính phủ, của các cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là sự phát huy nội lực của bản thân, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã gặt hái được nhiều thành tích đáng kể, dù nhiệm vụ được giao rất nặng nề, khó khăn và phức tạp, đòi hỏi một lực lượng lớn đơn vị thi công, cán bộ Kỹ thuật giám sát và sự sắp xếp khoa học, sự nỗ lực lớn với một quyết tâm cao độ của tập thể lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên chức- người lao động của Trung tâm.
Khánh thành, đưa công trình tu bổ điện Long An vào làm nơi trưng bày cổ vật.
Năm 2012, công tác tu bổ di tích được tiến hành ngày càng chuyên nghiệp, có bài bản, tuân thủ nghiêm túc Công ước quốc tế về bảo tồn di tích, Luật Di sản Văn hóa và các Quy chế bảo quản tu bổ phục hồi di tích lịch sử văn hóa - danh lam thắng cảnh, các quy định trong xây dựng cơ bản, đảm bảo sự chuẩn mực về bảo tồn và tính chân xác của các công trình. Các công trình đã được bảo tồn, tu bổ làm tăng thêm sự bền vững và trả lại dáng vẻ nguyên xưa, góp phần khép lại không gian hoang phế, đổ nát ở Kinh Thành, Hoàng thành, các đàn miếu và một số lăng vua triều Nguyễn.
Năm 2012 có thể coi là năm “bội thu” của công tác trùng tu di tích. Trong năm này, Trung tâm đã thực hiện 64,164 tỉ đồng trong lĩnh vực trùng tu, đạt 106,6 % kế hoạch tu bổ của năm. Các công trình đã bảo tồn tu bổ được triển khai khá nhiều và trên một địa bàn rộng, từ lăng vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị đến khu vực Đại Nội, Kinh thành Huế.
Đó là cụm các công trình lăng vua Gia Long, điện Biểu Đức - lăng vua Thiệu Trị, hệ thống Hành lang Tử Cấm Thành, điện Thọ Ninh, Tây Khuyết Đài, Thái Bình Lâu (Đại Nội Huế), điện Long An, nhà Tế tửu, Xiển Võ Từ, hệ thống chống sét Đại Nội và các điểm di tích.
Đặc biệt, đây cũng là năm Trung tâm giải quyết cơ bản vấn đề cải tạo hoặc xây mới nhiều nhà vệ sinh tại khu vực di tích, góp phần cải thiện môi trường du lịch và nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan. Việc đưa hệ thống nhà vệ sinh ở khu vực Đại Nội, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế và ở các lăng Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định vào phục vụ từ Festival Huế 2012 đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của khách tham quan, giải quyết được vấn đề bức xúc trong nhiều năm qua.
Năm 2012, Trung tâm cũng đã phối hợp với Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng), Viện Bảo tồn Di tích, Công ty Cổ phần tu bổ di tích và Thiết bị văn hóa Trung ương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và một số đơn vị tư vấn trong và ngoài tỉnh tiến hành lập dự án và thiết kế các công trình: Thái Bình Lâu, Xiển Võ Từ, Hổ Quyền - điện Voi ré, điện Thọ Ninh, Tả Trà, nhà Tế Tửu, dự án phục hồi tôn tạo vườn Thiệu Phương, Ngọ Môn, Tây Khuyết Đài, Phủ Nội Vụ, Lục Bộ, lầu Tàng thơ...
Tiếp nối những thành công đạt được trong năm 2012, theo tinh thần ưu tiên các công trình trong Đại Nội, Trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện các công trình chuyển tiếp như: các hạng mục còn lại của Hành lang Tử cấm Thành, lăng Đồng Khánh, Quan tượng đài - mặt Nam Kinh thành, tu bổ phục hồi Thái Bình Lâu, điện Thọ Ninh (Đại Nội); thực hiện các dự án mới như tu bổ Hành lang 2B, Đông Khuyết Đài, Tả Trà (Cung Diên Thọ) trong khu vực Đại Nội, điện Gia Thành (lăng vua Gia Long), Tả Tùng Viện (lăng vua Thiệu Trị), khu vực hồ Lưu Khiêm (lăng vua Tự Đức)…
Trên cơ sở những thành công đạt được trong năm 2012, hoạt động trùng tu di tích Huế sẽ tiếp tục đạt những thành tựu mới trong năm 2013 với một loạt cơ chế đặc biệt dành cho khu di sản Huế đã được chính quyền các cấp phê duyệt thông qua trong năm 2012, tạo điều kiện cực kỳ thuận lợi cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế trong giai đoạn tới, đặc biệt trong đó có Quyết định số 1880 của Thủ tướng chính phủ ngày 12-12-2012 phê duyệt cơ chế hỗ trợ với 800 tỷ cho 8 năm tới (2013-2020) và nhiều cơ chế chính sách ưu đãi cho khu di sản Huế.
Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế