Hiện trạng Baphuon “đổ nát”
Đền Baphuon được xây dựng dưới triều Vua Udayadiyavarman II (Trị vì 1049-1065), nổi tiếng với tượng Phật nhập niết bàn được chạm khắc trên bức tường đá dài 40m. Ngôi đền được dùng để thờ thần Shiva, thiết kế theo hình kim tự tháp 3 tầng đối xứng với vật liệu chủ yếu là đá ong và đá đỏ.
Cách đây 50 năm, nền móng và các tầng đền đã được phát hiện sau khi các nhà khoa học cho phát quang cây cối, chứng tỏ Baphuon đã bị lãng quên một thời gian khá dài. Đặc biệt, góc Tây Nam của Baphuo chỉ còn chống đỡ bởi một vài phiến đá. Phân tích lý do bị sập, kiến trúc sư Pascal Royere cho rằng, 3 tầng nền Baphuon giống như các hộp xếp chồng lên nhau, bên trong các hộp đều chưa đầy cát. Theo thời gian cát sẽ bị nén lại và các gờ từng tầng nền bị lệch đi, và kết cấu sẽ chịu áp lực kém hơn. Mặt khác, do mưa nhiều, nước thấm vào làm ẩm cát bên trong, nền cũng yếu đi. Vào những năm 1930, người ta phải dùng gỗ để chống đỡ một số bề mặt của đền.
Sự đổ nát của Baphuon đã khiến các nhà khoa học Trường Viễn Đông Bác Cổ đi đến một quyết định mạo hiểm là “cứu” công trình bằng cách “phá hủy” nó. Theo kế hoạch, họ dỡ tách ngôi đền theo từng mảng, đánh số các viên đá để rồi sau đó sẽ ghép lại thành một cấu trúc vững chắc hơn. Ý tưởng đưa ra là xây hệ thống bêtông cốt thép bên trong toàn bộ 3 mặt tháp, lớp ngoài vẫn giữ nguyên kết cấu đá ong và đá đỏ. Công việc được bắt đầu vào năm 1960 nhưng tới 1971 phải dừng lại. Việc phục chế phải bỏ giữa chừng đã vô tình biến Baphuon trở thành đống đá vụn vô nghĩa.
Kỳ tích “ghép hình”
Vào năm 1995, Pascal Royere đến đây và ông đã nhìn thấy 300.000 hòn đá nằm la liệt trên diện tích 10 ha xung quanh khu vực đền Baphuon. Nghe người dân địa phương kể lại các câu chuyện về ngôi đền, ông cùng nhiều nhà khoa học tiếp tục sứ mệnh khôi phục đền. Tuy nhiên, những con số mà các nhà khoa học đánh dấu trên các viên gạch lúc ấy lại trở thành một ẩn số và thách thức rất lớn.
Pascal Royere cho biết, khó khăn lớn nhất là Khmer Đỏ đã hủy hết tài liệu lưu trữ và bản vẽ thiết kế cần thiết. Hơn nữa, vào năm 1992 một phần đền đã bị đổ (vì xây dựng theo tính chất đối xứng nên nếu một phần bị ảnh hưởng sẽ ảnh hưởng đến toàn bị công trình). Giáp pháp mà các nhà phục chế đưa ra là lấy hình ảnh phía Tây còn khá nguyên vẹn để liên tưởng và sắp xếp lại các mặt khác. Việc tìm vị trí cho các phiến đá không được phép nhầm lẫn, công việc đe dọa nguy hiểm vì nền đất các tầng khá cao và có thể sập bất kỳ lúc nào.
Để khôi phục lại bức tượng Phật, phần nền cần làm lại chắc chắn hơn, các thanh “giằng” bằng thép cũng được sử dụng để gia cố các phiến đá lại với nhau. Việc phục chế các tầng của Baphuon thực hiện theo nguyên tắc hạn chế thấp nhất vật liệu mới. Tham khảo các ý kiến từ phía UNESCO, nhiều kiến trúc sư..., cuối cùng các nhà khoa học đã thỏa thuận tìm giải pháp hài hòa, tái tạo gần giống hệt vật liệu cũ nhưng vẫn giúp người xem nhận biết được phần phục chế. (Các phiến đá mới được điêu khắc tinh tế theo hình mẫu cổ nhưng vẫn tạo thêm các vết xước nhìn gần sẽ thấy).
Baphuon ra sao khi thành hình?
Hiện nay, đền Baphuon đã được phục hồi gần như hoàn chỉnh. Các nhà khoa học đang cố gắng hoàn thiện tầng 3 với trở ngại là thiếu đá và hình ảnh thực. Hiện tầng trên cùng chỉ tìm thấy dấu tích chu vi, có 4 cửa hướng ra 4 phía. Các phiến đá cũ phần lớn đã được dành để phục chế lại bức tượng Phật và các phần tầng dưới bị sụp. Dù vậy, một hướng khôi phục mới cũng đã kịp tìm ra - đó là mô hình một cái tháp đang xây dựng dở dang với có một cái cửa để “mở”…
Theo dự kiến, đến cuối 2009 và đầu 2010, công trình phục hồi ngôi đền này sẽ hoàn tất và chính thức mở cửa đón du khách tham quan. Pascal Royere tâm sự ông đã học hỏi được rất nhiều từ công trình này: “Điều cần thiết đối với một nhà phục chế là sự nhạy cảm, luôn tưởng tượng ra mình ở vị trí các nhà kiến trúc xưa để có thể lưu giữ lại được những giá trị chân thực nhất”.
THUẬN HẢI Theo báo Thế giới và việt nam ngày 20/9/2009 |