Sự thật về việc "phá" đền Rồng

Mới đây, một số báo và cả chương trình Thời sự lúc 19 giờ ngày 14/4/2009 của Truyền hình Việt Nam có đưa tin về việc Đền Rồng thờ vua Lý Chiêu Hoàng có từ hơn 700 năm bị phá bỏ để xây mới. Tìm hiểu thực hư về vấn đề này, phóng viên báo chí đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Đức Thìn - Phụ trách tuyên truyền khu di tích Đền Đô, Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Dưới đây là lời trình bày sự việc của ông Thìn.

Khi Lý Chiêu Hoàng qua đời, nhân dân Đình Bảng nhớ ơn tới một con người từng làm vua, gặp nhiều nỗi truân chuyên, cho nên đã xây đền thờ người ở phía Tây của làng - nơi mặt trời lặn. Lúc đó gọi là Miếu Rồng. Miếu Rồng nằm trong khu rừng Báng. Đầu thế kỷ 20, rừng Báng là nơi nghĩa quân Yên Thế, nghĩa quân của cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên và cả những người trong vụ Hà Thành đầu độc 1908 đều chạy về rừng Báng ẩn náu. Cho nên có một chủ đồn điền của Pháp lấy danh nghĩa xin phá rừng Báng, tiêu diệt nghĩa quân để nhằm mục đích chiếm đất. Trong bối cảnh đó một người con của Đình Bảng là cụ Nguyễn Tiến Hường (sau đổi là Lê Tiến Hường hoặc Lê Văn Trang, tên chữ là Hồng Lô tên tự là Thiếu Khanh), từng được đào tạo từ Paris về, lúc đó làm quan Nam triều và có uy tín ở Phủ Toàn quyền Đông Dương không muốn mất rừng Báng nên đã xin với Phủ Toàn quyền được trực tiếp đôn đốc nhân dân Đình Bảng phá rừng. Thế nên Đình Bảng lắm ruộng là vì thế. Cho đến năm 1919 thì Miếu Rồng bị chính quyền Pháp quyết định phá hoàn toàn.

Năm 1921, cụ Nguyễn Tiến Hường cho khôi phục lại đền trên nền xưa nhưng theo mẫu cách tân, xây mới 100%. Tức là: mái hiên tây, tường hoa chắn mái. Do đó nó không còn là miếu xưa nữa. Xây dựng xong, cụ đặt tên là Long Miếu Điện. Thời kỳ Mặt trận Dân chủ năm 1936, cụ Chánh Chuy (cụ Chuy, chánh tổng Đình Bảng) cho trùng tu nhưng vẫn theo mẫu cụ Nguyễn Tiến Hường đã làm. Sau cách mạng tháng Tám thành công, ông Nguyễn Hữu Lung, cán bộ UBND lâm thời xã Đình Bảng cũng cho sửa lại đền. Đến nay, cụ Lung hiện trên 80 tuổi nhưng sức đã yếu.

Thời chống Mỹ cứu nước, thời xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc năm 1956 - 1957, Đền Rồng được trùng tu từng phần theo lối hiện đại. Năm 1995 là đợt trùng tu lớn do cụ Cư – Thành viên Ban quản lý di tích chỉ đạo. Cụ cũng là người cho xây cổng Đền Rồng. Vì thế kiến trúc Đền Rồng là kiến trúc hiện đại và bị cách tân nhiều lần. Đến nay, cụ Cư vẫn đang là thành viên ban Quản lý di tích Đền Đô.

Năm 1996, Long Miếu Điện thực sự xuống cấp nên ông Nguyễn Thế Thảo - khi đó đang là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Bắc đã trực tiếp chỉ đạo một cuộc hội thảo khoa học về tôn tạo và bảo vệ cụm di tích lịch sử trên quê hương Nhà Lý ở Đình Bảng. GS. Trần Quốc Vượng có bài tham luận tiêu đề: “Sông nước Tiêu Tương hương Cổ Pháp”. Các nhà nghiên cứu ở Bảo tàng tỉnh Hà Bắc (cũ) đã có tờ trình: Phải trùng tu Đền Rồng. Nhưng khi đó không có kinh phí nên đành chịu.

Mãi đến năm 2007, UBND xã Đình Bảng (cũ) tiếp tục làm tờ trình lên các cấp, ngành chức năng xin được trùng tu Long Miếu Điện. Sau khi có đủ thủ tục, UBND phường Đình Bảng (nay thuộc thị xã Từ Sơn) đã cho khởi công để tu dựng lại Long Miếu Điện. Lúc đó, Long Miếu Điện chưa được xếp hạng cấp tỉnh.

Sau khi thảo luận nhiều lần cùng Ban Quản lý di tích Đền Đô, UBND phường Đình Bảng đi đến quyết định phải trùng tu lại như trước thời Pháp phá. Tư liệu ảnh không có nhưng tôi (ông Thìn - PV) là người viết sử làng Đình Bảng từ 1958 nên đã tìm hiểu khá rõ về kiến trúc Đền Rồng từ trước khi bị phá năm 1919. Từ bé, tôi đã nghe các cụ cao tuổi trong làng cùng tuổi cụ Hường kể về Miếu Rồng trước 1919. Khi tôi 15 -16 tuổi thầy tôi vẫn kể về Miếu Rồng. Thầy tôi làm Lý trưởng của làng vì cho nghĩa quân ở Miếu Rồng nên bị Pháp bắt và cách chức. Bị bắt cùng với thầy tôi có ông Phó Địch, ông Phó Thăng.

Khi trùng tu để khôi phục Đền Rồng như xưa thì phải dỡ bỏ kiến trúc tạp nham trước đó. Khi dỡ ra những viên gạch mua của nhà máy Yên Ký ở Cầu Đuống hiện rõ. Có những chỗ còn nguyên cả một tấm bê tông ở một góc. Sau này lại tiếp tục tu sửa dùng gạch của nhà máy Từ Sơn.

Kinh phí dự toán xây dựng Đền Rồng lần này khoảng 2,6 tỷ đồng, đa phần được huy động từ nguồn xã hội hóa. Ngoài ra, còn có một phần giúp đỡ của UBND TP. Hà Nội. Khi tiến hành lễ động thổ, đích thân Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - bà Ngô Thị Thanh Hằng đã về dự. Hiện tại, khuôn viên đền có diện tích khoảng 3000m2. Và Đền sẽ được xây 5 gian, 2 dĩ.

Ngày 14/4/2009, ông Nguyễn Thạc Vinh - Chủ tịch UBND phường Đình Bảng đã đích thân dẫn ông Đặng Văn Bài - Cục trưởng Cục Di sản Việt Nam và ông Nguyễn Đăng Túc - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đến tận nơi đang trùng tu Đền Rồng và chỉ cho xem những viên gạch xây Đền Rồng của nhà máy Yên Ký và Từ Sơn khi trước.

Theo Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam ngày 17/04/2009