Thống nhất trùng tu Ngưng Hy Điện

(Cinet)- Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa phối hợp với Công ty Cổ phần Tu bổ Di tích Trung ương, Chi nhánh miền Trung thống nhất phương pháp tháo dỡ, hạ giải điện Ngưng Hy (lăng Đồng Khánh, Huế) để trùng tu di tích này.

Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: ngày 3 tháng 8 vừa qua Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã thống nhất được phương án trùng tu Ngưng Hy Điện. Đây là phương án tối ưu, sau khi được tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các nhà chuyên môn, sử học, các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu kiến trúc, nghiên cứu mỹ thuật...

Ngưng Hy Điện - vốn là công trình mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, mỹ thuật thuộc quần thể di tích Cố đô Huế, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.

Theo tài liệu lịch sử ghi lại: Ngưng Hy Điện (lăng Đồng Khánh, Huế) được khởi công xây dựng vào tháng 2/1888, kiến trúc ban đầu có tên là Truy Tư Điện, được dự kiến làm nơi thờ Kiên Thái Vương - cha của vua Đồng Khánh. Tuy nhiên, việc vua Đồng Khánh bất ngờ qua đời ở tuổi 25 (tức vào đầu năm 1889), trong bối cảnh nhân tài vật lực của triều đình đã cạn kiệt, khiến lộ trình xây đắp lăng mộ cho nhà vua vắn số trở nên gấp gáp, chắp vá.

Vua Thành Thái kế vị ngai vàng cho sử dụng luôn Truy Tư Điện làm nơi thờ tự vua Đồng Khánh và công trình được đổi tên thành Ngưng Hy Điện. Phải đến khi con trai vua Đồng Khánh (tức vua Khải Định) lên ngôi năm 1916, tổng thể cụm kiến trúc khu vực điện thờ và khu vực lăng mộ từ Bái đình, Bi đình đến Bửu thành và Huyền cung mới được triều đình chú tâm kiến thiết hoàn chỉnh và hoàn tất vào tháng 7/1917.
Riêng Ngưng Hy Điện cùng Tả, Hữu Tùng Viện; Tả, Hữu Tùng Tự được tiếp tục hoàn thiện cho đến năm 1923. Sau quá trình xây dựng bổ sung chia làm nhiều giai đoạn kể trên, lăng vua Đồng Khánh còn được tu bổ nhiều lần, trong đó đáng kể là đợt tu sửa năm 1959, 1986, 1990 và 1993.

Ngoài lịch sử xây dựng và tu bổ phức tạp, bản thân Ngưng Hy Điện còn có một phong cách trang trí cực kỳ đa dạng, thậm chí được coi là nơi hội tụ những tác phẩm đỉnh cao của nghệ thuật sơn son thếp vàng, nghệ thuật sơn mài truyền thống, nghệ thuật đắp phù điêu đất nung và nghệ thuật trang trí pháp lam của Việt Nam cùng nhiều hoa văn trang trí bằng kỹ thuật ghép khảm, chạm nổi… thể hiện nhiều loại đề tài từ dân gian đến cung đình phong phú vào bậc nhất trong số các kiến trúc cung đình Huế.

Tuy nhiên theo thời gian công trình mang ý nghĩa văn hóa lịch sử này đã xuống cấp nghiêm trọng vì thế sau nhiều cuộc họp lấy ý kiến, công trình này đã có quyết định và thống nhất được phương án trùng tu.

NLH

Theo http://www.cinet.gov.vn