Hiến chương về bảo vệ và quản lý di sản khảo cổ học

Do Uỷ ban Quốc tế Quản lý Di sản Khảo cổ học (ICAHM) soạn thảo và được Đại Hội đồng ICOMOS  thông qua tại Lausanne năm 1990.

Mở đầu

Nhận biết nguồn gốc và sự phát triển của các xã hội con người đã được thừa nhận rộng rãi là điều quan trọng cơ bản cho nhân loại để xác định gốc rễ văn hoá và xã hội của mình.

Di sản khảo cổ học tạo thành hồ sơ cơ bản về hoạt động của con người thời xưa. Cho nên việc bảo vệ và quản lý thoả đáng di sản đó là thiết yếu để cho các nhà khảo cổ học và các học giả khác có điều kiện nghiên cứu và lý giải nó, thay mặt cho và vì lợi ích của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau.

Việc bảo vệ di sản này không chỉ dựa đơn thuần vào việc áp dụng các kỹ thuật khảo cổ học. Nó đòi hỏi một tri thức và kỹ năng chuyên nghiệp và khoa học rộng lớn hơn. Một số yếu tố của di sản khảo cổ học là bộ phận cấu thành của kết cấu kiến trúc, và trong trường hợp đó phải được bảo vệ phù hợp với tiêu chí bảo vệ kiến trúc như đã được ấn định trong Hiến chương Venice về Bảo toàn và Trùng tu Di tích  và Di chỉ. Có những yếu tố khác của di sản khảo cổ học lại là bộ phận của những truyền thống đang tồn tại của các dân tộc bản xứ, và đối với những loại di tích di chỉ này thì việc tham gia của các nhóm văn hoá địa phương là thiết yếu cho việc bảo vệ và bảo tồn.

Vì những lý do đó và còn nhiều lý do khác nữa việc bảo vệ di sản khảo cổ học phải được đặt cơ sở trên sự cộng tác hữu hiệu giữa các nhà chuyên môn ở nhiều ngành khác nhau. Nó cũng đòi hỏi sự hợp tác của các chức sắc chính quyền, các nhà nghiên cứu hàn lâm, xí nghiệp tư nhân hoặc công cộng và công chúng rộng rãi. Do vậy, hiến chương này đặt ra những nguyên tắc liên quan đến các mặt khác nhau trong quản lý di sản khảo cổ học. Các mặt đó bao gồm trách nhiệm của các chức sắc công quyền và các nhà lập pháp, những nguyên tắc liên quan đến việc thực thi nghiệp vụ các quy trình kiểm kê, khảo sát, khai quật, lập hồ sơ, nghiên cứu, bảo quản, bảo toàn, bảo tồn, trùng tu, thông tin, giới thiệu, tiếp xúc của dân chúng và cách sử dụng di sản và trình độ nghiệp vụ của những người có trách nhiệm bảo vệ di sản khảo cổ học.

Hiến chương này được thúc giục ra đời bởi thành công của Hiến chương Venice với tư cách là văn kiện chuẩn mực, là nguồn gợi ý trong các lĩnh vực chính sách và hành sự của chính quyền, của các học giả và các nhà nghiệp vụ.

Hiến chương phải phản ánh được những nguyên tắc rất cơ bản và những đường lối chỉ đạo có giá trị toàn cầu. Vì những lý do đó hiến chương không thể lưu tâm đến những vấn đề và khả năng riêng của từng vùng hoặc từng nước. Cho nênhiến chương còn phải được bổ sung thêm những nguyên tắc, quy tắc trên bình diện vùng và quốc gia.

Điều 1. Định nghĩa và mở đầu

"Di sản khảo cổ học'' là bộ phận di sản vật chất mà các phương pháp khảo cổ học cung cấp cho chúng ta những hiểu biết cơ bản về nó. Di sản này bao gồm mọi vết tích sinh tồn của con người được lưu lại trong những địa điểm liên quan đến mọi hoạt động của con người, trong những cấu trúc đã bị hoang phế, trong những vết tích đủ các loại (cả ở những di chỉ dưới đất và dưới nước) cũng như các vật liệu văn hoá gắn với các di tích đó.

Điều 2. Chính sách bảo vệ hợp thể

Di sản khảo cổ học là một nguồn văn hoá mong manh và không tái sinh được. Do đó việc đất đai phải được quy định để giảm thiểu việc huỷ hoại di sản này.

Các chính sách bảo vệ di sản khảo cổ học phải là bộ phận hợp thành của các chính sách liên quan đến việc sử dụng đất đai, đến phát triển, đến việc hoạch định kế hoạch và cả các chính sách văn hóa, môi trường và giáo dục. Các chính sách bảo vệ di sản khảo cổ học phải thường xuyên được xem xét lại để cho được cập nhật. Việc tạo lập ra những khu đất dành riêng cho khảo cổ học phải làm thành bộ phận của các chính sách trên. Việc bảo vệ di sản khảo cổ học phải được các nhà hoạch định kế hoạch ở các cấp quốc tế, quốc gia, vùng, địa phương lưu tâm.

Việc tham gia tích cực của quảng đại công chúng phải là bộ phận của các chính sách bảo vệ di sản khảo cổ học. Điều này là thiết yếu khi có dính líu đến di sản của dân bản địa. Việc tham gia phải được đặt trên cơ sở là để có hiểu biết cần thiết cho việc hoạch định chính sách. Do đó việc cung cấp thông tin quảng đại công chúng là một yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ hợp nhất.

Điều 3. Pháp chế và Kinh tế

Việc bảo vệ di sản khảo cổ học phải được coi như là một nghĩa vụ tinh thần đạo lý đối với mọi người, mà đó cũng là trách nhiệm tập thể công cộng. Nghĩa vụ đó phải được thể hiện qua pháp chế thích hợp và qua việc lập ra những quỹ thoả đáng để tài trợ cho những chương trình cần thiết cho việc quản lý di sản được hữu hiệu.

Di sản khảo cổ học là di sản chung cho mọi xã hội con người, do đó nhiệm vụ của mỗi đất nước là phải đảm bảo có sẵn những quỹ thoả đáng để dùng vào việc bảo vệ di sản đó.

Pháp chế phải đảm bảo việc bảo vệ di sản khảo cổ học tuỳ theo nhu cầu của lịch sử, truyền thống của mỗi đất nước và mỗi vùng, tạo điều kiện cho việc bảo vệ tại chỗ và cho các yêu cầu nghiên cứu.

Pháp chế cần phải đặt cơ sở trên khái niệm coi di sản khảo cổ học là di sản của toàn nhân loại và của các nhóm người chứ không phải là của một cá nhân người nào hoặc một dân tộc riêng biệt nào.

Pháp chế phải cấm đoán mọi huỷ hoại, suy thoái hoặc biến đổi do việc sửa đổi bất kỳ một di chỉ hoặc di tích khảo cổ học nào hoặc môi trường xung quanh nó mà không được sự đồng ýcủa các cơ quan khảo cổ học có liên quan.

Pháp chế trên nguyên tắc phải đòi hỏi có khảo sát khảo cổ học kèm đầy đủ hồ sơ trong trường hợp việc phá huỷ một di sản khảo cổ học nào đó là được phép.

Pháp chế phải đòi hỏi, và có điều khoản về, việc bảo quản, quản lý, bảo toàn di sản khảo cổ học phải thích đáng. Những hình phạt thoả đáng theo luật định phải được thực thi đối với các vi phạm pháp chế di sản khảo cổ học.

Nếu pháp chế chỉ ban hành sự bảo vệ đối với các di sản khảo cổ học đã được xếp hạng hoặc đã được đăng ký vào danh mục có chọn lọc chính thức, thì phải những quy định về bảo vệ tạm thời các di tích và di chỉ khảo cổ học không được bảo vệ hoặc mới phát hiện cho đến khi tiến hành sự đánh giá về khảo cổ học.

Các dự án phát triển tạo ra một trong những mối đe doạ về vật chất lớn nhất đối với di sản khảo cổ học. Nhiệm vụ của người lập nhiệm vụ quy hoạch là phải đảm bảo rằng trước khi các kế hoạch phát triển được thực hiện phải có tiến hành nghiên cứu tác động của di sản khảo cổ học, do đó phải đưa những nghiên cứu này vào một đạo luật thích đáng quy định phí tổn nghiên cứu đó là gộp vào phí dự án.

Nguyên tắc mà các kế hoạch phát triển phải được vạch ra làm sao để giảm thiểu tác động của kế hoạch di sản khảo cổ học cũng phải được xác lập trong pháp chế.

Điều 4. Nghiên cứu

Việc bảo vệ di sản khảo cổ học phải được đặt trên cơ sở hiểu biết đầy đủ nhất có thể có được về phạm vi và tính chất di sản. Vì vậy việc nghiên cứu tổng quát các nguồn tư liệu khảo cổ học là một công vụ làm việc thiết yết, để xây dựng các chiến lược bảo vệ di sản khảo cổ học. Do đó, việc nghiên cứu khảo cổ học phải là một nghĩa vụ cơ bản trong việc bảo vệ và quản lý di sản khảo cổ học.

Đồng thời, các bản kiểm kê tạo thành một ngân hàng dữ kiện chủ yếu cho việc nghiên cứu tìm tòi khoa học. Do đó việc biên soạn các bản kiểm kê phải được coi như là một tiến trình liên tục năng động. Do vậy các bản kiểm kê phải bao gồm thông tin về độ chính xác và tin cậy ở các cấp độ khác nhau. bởi vì ngay cả những hiểu biết hời hợt cũng có thể tạo thành điểm xuất phát cho các biện pháp bảo vệ.

Điều 5. Khảo sát

Hiểu biết khảo cổ học chủ yếu dựa trên khảo sát khoa học di sản khảo cổ học. Khảo sát bao gồm cả một loạt các phương pháp, từ các kỹ thuật không phá hoại thông qua việc lấy mẫu vật đến việc khai quật toàn bộ.

Phải thừa nhận rằng một nguyên tắc tối quan trọng là việc thu thập thông tin về di sản khảo cổ học phải không được phá hoại chứng tích khảo cổ học nào ngoài những chứng tích cần thiết cho mục tiêu bảo vệ hoặc khoa học của cuộc khảo sát. Do đó các kỹ thuật không phá hoại, quan sát trên không và dưới mặt đất, và lấy mẫu vật lúc nào cũng phải được khuyến khích hơn là khai quật toàn bộ.

Một cuộc khai quật bao giờ cũng bao hàm một cách chọn lọc các dữ liệu để lập hồ sơ và bảo tồn, mà phải hy sinh để mất những thông tin khác và có thể cả sự huỷ hoại toàn bộ di tích. Cho nên một cuộc khai quật chỉ được tiến hành sau khi đã suy xét kỹ càng.

Khai quật phải được tiến hành trên những di chỉ và di tích bị đe doạ phá huỷ bởi những chương trình phát triển, thay đổi cách sử dụng đất đai, cướp bóc hay bị thiên nhiên huỷ hoại.

Trong những trường hợp đặc biệt, những di chỉ không bị đe doạ có thể được khai quật để làm sáng tỏ những vấn đề nghiên cứu hoặc với mục đích để trình bày cho công chúng. Trong trường hợp đó, trước khi khai quật phải có một sự đánh giá khoa học toàn diện về ýnghĩa của di chỉ. Khai quật phải làm từng phần và giành một khoảnh không bị xáo trộn cho việc nghiên cứu về sau.

Sau khi kết thúc khai quật, trong một thời gian hợp lý, phải có báo cáo làm đúng theo chuẩn mực đã được xác định nộp cho cộng đồng khoa học, có kèm theo bản kiểm kê thích đáng.

Các cuộc khai quật phải được tiến hành theo đúng những nguyên tắc ghi trong văn kiện 1956 của UNESCO (Khuyến nghị về các Nguyên tắc quốc tế áp dụng cho các cuộc khai quật khảo cổ học) cũng như theo đúng những chuẩn mực nghiệp vụ, quốc tế và quốc gia.

Điều 6. Bảo quản và bảo toàn (Maintenance and Conservation)

Mục tiêu cơ bản của việc quản lý di sản khảo cổ học phải là bảo tồn các di tích và di chỉ tại chỗ, bao gồm việc bảo toàn thích đáng lâu dài và việc xử lý (để có thể để lâu) các hồ sơ và các sưu tập,... Mọi việc di chuyển các yếu tố của di sản đến một địa điểm mới đều vi phạm nguyên tắc bảo tồn di sản trong khung cảnh gốc của nó. Nguyên tắc này nhấn mạnh đến yêu cầu bảo quản, bảo toàn và quản lý thích đáng. Nó cũng khẳng định nguyên tắc là di sản khảo cổ học không được để phơi lộ thiên dưới mưa gió do khai quật và sau khi khai quật nếu không có khả năng tài chính để đảm bảo việc bảo quản và

quản lý.

Cần phải tích cực tìm kiếm và động viên sự cam kết và tham gia của địa phương, coi như là một phương sách để xúc tiến việc bảo quản di sản khảo cổ học. Nguyên tắc này đặc biệt quan trọng khi xử lý di sản của dân chúng bản địa hoặc của các nhóm văn hoá địa phương. Trong một số trường hợp, tốt nhất là nên giao trách nhiệm bảo vệ và quản lý di chỉ và di tích cho người bản địa.

Do các hạn chế về nguồn tài chính là không thể tránh được nênviệc bảo quản tích cực sẽ được tiến hành trên một cơ sở có chọn lựa. Cho nên việc bảo quản này phải được thực thi trên một số di chỉ di tích, trong muôn vàn di chỉ di tích, dựa trên sự đánh giá khoa học về ýnghĩa và tính tiêu biểu của những di chỉ di tích này, chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi các di chỉ danh tiếng và trông hấp dẫn nhất.

Điều 7. Giới thiệu, thông tin, trùng tu

Việc giới thiệu di sản khảo cổ học ra quảng đại công chúng là một phương pháp thiết yếu để nâng cao hiểu biết về nguồn gốc và phát triển của các xã hội hiện đại. Đồng thời đó là một phương thức quan trọng nhất để thúc đẩy nhận thức về nhu cầu phải bảo vệ di sản đó.

Việc giới thiệu và thông tin phải được quan niệm như là một việc phổ biến hiện trạng nhận thức, do đó phải thường xuyên được xem xét điều chỉnh. Phải lưu tâm đến các cách tiếp cận đa diện để hiểu rõ được quá khứ.

Việc tái dựng cần đáp ứng hai chức năng quan trọng: để nghiên cứu thực nghiệm và để thể hiện. Vì vậy các cuộc tái dựng cần phải được tiến hành hết sức thận trọng để tránh làm xáo trộn mọi chứng tích khảo cổ học còn tồn tại và phải lưu tâm đến mọi loại chứng tích để đạt được tính xác thực. Các công trình tái dựng không được xây trực tiếp trên các vết tích khảo cổ học và phải được xác định đúng như vậy.

Điều 8. Trình độ nghiệp vụ

Để đảm bảo việc quản lý di sản khảo cổ học, điều thiết yếu là phải làm chủ được nhiều ngành khoa học ở trình độ cao. Do đó việc đào tạo một số lượng thích đáng những người có trình độ nghiệp vụ cao trong các lĩnh vực chuyên môn có liên quan phải là một mục tiêu quan trọng đối với các chính sách giáo dục ở mọi quốc gia. Nhu cầu đào tạo chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên môn hoá cao đòi hỏi một sự hợp tác quốc tế. Chuẩn mực của đào tạo nghiệp vụ và ứng xử nghiệp vụ phải được xác lập và duy trì.

Mục tiêu đào tạo khảo cổ học ở bậc đại học phải lưu tâm đến những thay đổi từ khai quật đến bảo tồn tại chỗ trong các chính sách bảo toàn. Cũng phải lưu tâm đến sự thể là việc nghiên cứu lịch sử các dân tộc bản địa là quan trọng trong việc bảo tồn và hiểu biết di sản khảo cổ học cũng như trong nghiên cứu các di tích và di chỉ đặc sắc.

Việc bảo vệ di sản khảo cổ học là một quá trình phát triển liên tục năng động. Do đó cần phải có đủ thời gian cho các nhà chuyên nghiệp trong lĩnh vực này cập nhật được tri thức của mình. Các chương trình đào tạo sau đại học phải có sự nhấn mạnh đặc biệt đến việc bảo vệ và quản lý di sản khảo cổ học.

Điều 9. Hợp tác quốc tế

Di sản khảo cổ học là di sản chung của toàn nhân loại. Do đó hợp tác quốc tế là tối cần thiết để phát triển và duy trì các chuẩn mực trong việc quản lý di sản đó.

Có một nhu cầu cấp bách là lập ra những cơ chế quốc tế để trao đổi thông tin và kinh nghiệm giữa các nhà nghiệp vụ có trách nhiệm quản lý di sản khảo cổ học. Việc này đòi hỏi phải tổ chức các hội nghị, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm... ở cấp toàn cầu cũng như khu vực, và thiết lập những trung tâm khu vực đào tạo sau đại học. ICOMOS, thông qua các nhóm chuyên môn của mình, cần thúc đẩy tình hình này trong các dự án dài hạn và trung hạn của mình.

Việc trao đổi quốc tế giữa các chức sự nghiệp vụ (hành chính, khoa học) cần được phát triển như thể là một phương thức nâng cao trình độ quản lý di sản khảo cổ học.

Các chương trình hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực quản lý di sản khảo cổ học cần được phát triển dưới sự bảo trợ của ICOMOS.

Hiến chương này, được biên soạn bởi Uỷ ban Quốc tế về Quản lý Di sản Khảo cổ học (ICAHM), một Ủy ban chuyên môn của ICOMOS, đã được Đại Hội đồng ICOMOS thông qua trong cuộc họp ở Lausanne, Thuỵ Sĩ, vào tháng 10 - 1990.